Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Các loại gỗ công nghiệp phổ biến thường dùng nhất

Các loại gỗ công nghiệp phổ biến thường dùng nhất

Bạn đang xem bài viết chủ đề Các loại gỗ công nghiệp phổ biến thường dùng nhất do chúng tôi tổng hợp từ nhiều nguồn trên Internet.

Kỹ thuật uốn cong gỗ công nghiệp MDF phủ Melamine An Cường
Kỹ thuật uốn cong gỗ công nghiệp MDF phủ Melamine An Cường

Gỗ công nghiệp được phân loại theo cốt gỗ và loại mặt phủ. Cụ thể gồm 7 loại cốt gỗ phổ biến và 5 loại mặt phủ thường được dùng nhiều nhất. Trong đó, 7 loại cốt gỗ công nghiệp phổ biến nhất gồm: 1.cốt gỗ ván dăm (MFC), 2.cốt ván dăm định hướng (OSB), 3.cốt ván sợi mật độ cao (HDF), 4.cốt ván sợi mật độ trung bình (MDF), 5.cốt ván plywood, 6.cốt gỗ ghép thanh, 7.cốt gỗ nhựa. Mỗi loại có ưu điểm và ứng dụng riêng, nguyên liệu và cách sản xuất cũng khác nhau.

Bài viết dưới đây Top Nội Thất sẽ giới thiệu chi tiết 7 loại cốt gỗ + 5 loại mặt phủ + Các thương hiệu gỗ công nghiệp hàng đầu để quý khách tiện tham khảo.

  • Gỗ công nghiệp là gì?
  • Các loại gỗ công nghiệp phân theo: Cốt gỗ
  • Các loại gỗ công nghiệp phân theo: Lớp mặt phủ
  • Các loại gỗ công nghiệp phân theo: thương hiệu nổi tiếng

Gỗ công nghiệp là gì?

Gỗ công nghiệp là loại gỗ có chứa thành phần gỗ tự nhiên nhưng được tạo ra bằng phương pháp công nghiệp, nhân tạo. Thành phần gỗ có thể ở dạng bột, sợi, dăm, thanh gỗ, lạng gỗ…được tạo độ kết dính bởi chất keo chuyên dụng, kết hợp với các hóa chất phụ gia khác. Sau đó được ép, dập, đúc…để tạo thành các tấm gỗ tiêu chuẩn.

  • Nguyên liệu để sản xuất thường là gỗ tận dụng (ngọn, cành, rễ, đoạn cong, gốc,…), gỗ thu hồi tái chế (bàn ghế hỏng), mùn cưa, mảnh bào, đầu thừa, hoặc gỗ tạp rừng trồng…
  • Giá rẻ và thân thiện môi trường do sử dụng nguồn nguyên liệu dồi dào, áp dụng phương pháp sản xuất công nghiệp với máy móc hiện đại. Có lẽ chẳng bao giờ lo hết, lo cạn kiệt…như gỗ tự nhiên rừng nguyên sinh.
  • Kích thước phổ biến rộng 1m22 x 2m44 ở dạng tấm phẳng, rất tiện lợi cho gia công chế biến, áp dụng máy móc hiện đại, độ chính xác cao…
  • Là nguyên liệu hợp với xu hướng nội thất hiện đại, trẻ trung, đơn giản, đa năng.

Để phân loại gỗ công nghiệp người ta thường dựa vào cốt gỗ. Mỗi một loại cốt gỗ lại có thành phần cấu tạo, tính chất, ưu nhược điểm khác nhau và những ứng dụng riêng. Dưới đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết:

Các loại gỗ công nghiệp phân theo: Cốt gỗ

Có rất nhiều loại cốt gỗ công nghiệp và tất nhiên, loại vật liệu mới nào đó có thể được tạo ra ngay sau khi bài viết này hoàn thành. Chúng ta sẽ bắt đầu trước với những loại gỗ công nghiệp thường được dùng nhiều nhất hiện nay nhe.

1. Gỗ công nghiệp MDF

MDF là loại gỗ công nghiệp được dùng phổ biến nhất hiện nay.

– Gỗ MDF là gì

MDF là tên viết tắt của Medium Density Fibreboard – ván ép mật độ trung bình. Là loại ván gỗ công nghiệp được tạo ra từ bột gỗ (sợi gỗ) với sự liên kết của chất keo dính, được ép nóng tạo thành tấm dưới nhiệt độ và áp suất cao.

  • Thành phần gỗ dưới dạng sợi xenlulo chiếm khoảng 75% trong tấm MDF, được tạo thành bằng cách xay nghiền các cây gỗ (thường là gỗ tạp), gỗ tận dụng, tái chế, mùn cưa…thành bột mịn dạng sợi. Ngoài ra còn có các loại sợi thực vật khác, ví dụ như bã mía, thân cây ngũ cốc,…đóng vai trò như chất độn.
  • Ngoài ra, khoảng 10 – 15% thành phần của MDF là chất keo kết dính, 5 – 10% là nước và dưới 1% là các thành phần phụ gia khác như chất làm cứng, chất bảo vệ, chống trầy xước, chống ẩm, chất tạo màu…
  • Nhiệt độ ép tấm MDF thường trong khoảng 180-210 °C và áp suất khoảng 0,5-5,0 MPa.
  • Quy trình sản xuất gỗ công nghiệp MDF thường là: Ghiền gỗ tạo sợi, lọc phân loại => Rửa => Gia nhiệt nước => Hấp, tinh luyện, ép =>Pha trộn keo => Trải và cán đều => Ép sơ bộ => Ép nóng => Làm mát, tỉa, chà nhám, cắt thành tấm theo kích thước.

– Các loại gỗ MDF

Gỗ công nghiệp MDF trên thị trường hiện được phân làm 3 loại chính: MDF thường, MDF lõi xanh (chống ẩm) và MDF lõi đỏ (chống cháy). Ngoài ra cũng có loại ván MDF thô và loại MDF đã có lớp phủ bề mặt với các màu sắc họa tiết đa dạng.

Trên thị trường bạn cũng có thể phân loại cốt gỗ công nghiệp MDF dựa vào tiêu chuẩn chất lượng của nó, hoặc tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.

– Ưu nhược điểm và ứng dụng

  • Giá thành rẻ hơn hẳn gỗ tự nhiên, nó cũng rẻ hơn gỗ HDF và gỗ ghép thanh.
  • Không lo mối mọt, ít bị cong vênh và không nứt vỡ như gỗ tự nhiên.
  • Dễ gia công chế biến, bám vít tốt, cưa cắt cực dễ dàng, bề mặt bóng mịn nên sơn phủ cũng dễ…
  • Gỗ MDF thường có dạng tấm kích thước rộng 1m22 x 2m44 nên sản xuất rất dễ, nhất là khi áp dụng máy cắt CNC cho hiệu suất cao và chính xác.

Tuy nhiên nhược điểm của cốt gỗ công nghiệp MDF là nó rất kỵ nước, khi thấm nước sẽ nhanh bung nở. Bởi vậy việc xử lý bề mặt cần kỹ càng, sử dụng trong môi trường phù hợp. Trên thị trường cũng có MDF lõi xanh chống ẩm giúp khắc phục được nhược điểm này.

MDF là loại cốt gỗ công nghiệp phổ biến nhất và được nhiều nhất hiện nay. Nó được ứng dụng rộng rãi trong nội thất gia đình: tủ áo, bàn trang điểm, kệ tivi, bàn trà, bàn trang điểm, tủ bếp, mặt bàn ăn, tủ giày dép, làm ván sàn, cửa, ốp bậc cầu thang,… và các đồ nội thất văn phòng: bàn giám đốc, bàn nhân viên, bàn họp, tủ tài liệu…

==> Xem thêm nhiều thông tin hơn tại: gỗ MDF

2. Gỗ công nghiệp HDF

– Gỗ HDF là gì

Cốt gỗ công nghiệp HDF có thành phần và quy trình sản xuất gần giống với MDF ở trên. Chỉ khác là nó sử dụng bột/sợi gỗ nhỏ và mịn hơn, đồng thời được ép chặt hơn tạo ra tấm ván có mật độ cao và cứng chắc hơn. HDF là viết tắt bởi từ High Density Fibreboard – tức ván ép sợi mật độ cao, phân biệt với MDF – ván ép sợi mật độ trung bình.

  • So với gỗ MDF thì HDF có bề mặt mịn và đặc hơn.
  • HDF có tỷ trọng cao hơn và độ ẩm thấp hơn MDF. Cùng 1 tấm với kích thước như nhau bạn sẽ thấy gỗ HDF nặng hơn, cứng hơn,…
  • Tất nhiên giá bán của HDF cũng cao hơn, thường ứng dụng khi khách hàng đòi hỏi một chất liệu tốt hơn MDF.

==> Xem thêm nhiều thông tin hơn tại: gỗ HDF

3. Gỗ công nghiệp MFC (ván dăm)

– Gỗ công nghiệp MFC là gì?

MFC hay còn gọi là gỗ ván dăm, hay Okal. Là loại gỗ công nghiệp có cốt gỗ làm bằng các hạt gỗ (dăm), được liên kết với nhau bằng cách thêm chất kết dính tổng hợp và sau đó ép chúng ở mức áp suất và nhiệt độ cao tạo thành tấm.

  • Thành phần của ván dăm MDF gồm khoảng 80% là gỗ, 6 – 10% hỗn hợp keo dính (chứa khoảng 50% (PF) đến 65% (UF)), 7 – 10% nước, còn lại là các thành phần phụ gia khác.
  • Dăm gỗ là thành phần chính của MFC, được tạo thành bằng cách băm xay gỗ tự nhiên (thường là gỗ vụn, gỗ tận dụng từ cành, ngọn, rễ, gốc, đoạn cong, gỗ loại), gỗ tái chế, gỗ tạp…
  • Kích thước dăm gỗ không cố định, tuy nhiên thông thường các dăm gỗ to sẽ được bố trí ở phần lõi của tấm ván, các dăm gỗ nhỏ sẽ bố trí ở phần bề mặt.
  • MFC cũng thường được sản xuất với kích thước tiêu chuẩn chung của gỗ công nghiệp, rộng 2m44x2m44 (phổ thông nhất) hoặc 1m83x2m44. Độ dày đa dạng, nhưng phổ biến là 15 – 18 và 25ly.
  • Tỷ trọng trung bình của gỗ ván dăm từ 650 – 750 kg/m3.

– Các loại gỗ ván dăm MFC

+ Phân loại theo tính năng công dụng:

  • MFC loại thường: cốt gỗ thường có màu nâu gỗ hoặc ghi nhạt, là loại gỗ công nghiệp được dùng rất phổ biến.
  • MFC chống ẩm: cốt gỗ thường có màu xanh, giá đắt hơn loại thường một chút.

+ Phân loại theo màu sắc:

  • Cốt MFC thô: là loại gỗ công nghiệp chưa được phủ bề mặt, khi đóng nội thất thì sẽ tự sơn phủ các màu theo ý muốn.
  • MFC đã phủ bề mặt (phủ 2 mặt của tấm bằng Laminate, Melamine hoặc Acrylic) với hàng nghìn màu sắc họa tiết đa dạng. Khi đóng đồ nội thất chỉ cần chọn màu sắc có sẵn theo sở thích.

– Ưu nhược điểm và ứng dụng nổi bật

+ Giá bán gỗ ván dăm MDF rẻ hơn so với MDF và HDF, tất nhiên là rẻ hơn so với các loại gỗ tự nhiên. Mặc dù lõi gỗ thường xốp nhưng mặt gỗ hay được làm nhẵn mịn, dễ sơn hay dán các lớp phủ bề mặt. Việc cưa cắt và đóng đồ rất dễ dàng, bám vít tốt, không bị cong vênh, chống mối mọt côn trùng…

+ Nhược điểm của gỗ ván dăm là khi cưa cắt dễ bị mẻ do cấu tạo lõi xốp dạng dăm. Độ chắc chắn không cao, hạn chế tháo lắp vận chuyển nhiều lần. Tất nhiên MDF cũng có nhược điểm về khả năng chịu nước và độ ẩm như các gỗ công nghiệp dạng bột, sợi, dăm khác.

Gỗ ván dăm MFC cũng là cốt gỗ công nghiệp được sử dụng rất phổ biến hiện nay, chỉ đứng sau MDF. Trong đó phổ biến nhất là làm cửa, tủ bếp, đóng tủ quần áo… Trong nội thất văn phòng, gỗ ván dăm MDF là vật liệu chủ yếu để làm bàn làm việc, bàn họp, bàn lễ tân…loại giá rẻ.

==> Xem thêm nhiều thông tin hơn tại: gỗ MFC

4. Gỗ công nghiệp OSB (ván dăm định hướng)

– Gỗ OSB là gì

OSB là viết tắt từ Oriented Strand Board, nghĩa là: ván dăm định hướng. Nó khác với ván dăm MFC ở trên ở một số điểm như:

  • Các dăm gỗ to và dài hơn. Dăm gỗ được tạo từ cây gỗ tạp, nhưng phải là gỗ tươi (dễ dễ phay tạo dăm dài, mỏng).
  • Nhìn bề ngoài tấm ván OSB thấy rõ các dăm, nó có bề mặt thô hơn do OSB sắp xếp các dăm nhỏ/vụn ở giữa lõi, dăm to/dài ở phần mặt (ngược với cách sắp xếp của MFC).
  • Sở dĩ gọi là “ván dăm định hướng” là bởi các dăm dài ở phần mặt ngoài tấm ván OSB được “định hướng” song song với cạnh dọc tấm gỗ.
  • Trong khi MFC được ứng dụng nhiều trong ngành nội thất, thì ván dăm định hướng OSB chủ yếu được ứng dụng trong xây dựng.

– Gỗ OSB được sản xuất như thế nào?

Để sản xuất ván dăm định hướng OSB người ra cũng kết hợp các dăm gỗ với chất keo dính, ép nhiệt nóng để tạo thành tầm. Trong thành phần chính của OSB thì 95% là gỗ (có thể có thêm chất độn như thân cây ngũ cốc) và khoảng 5% là keo dính.

– Phân loại gỗ OSB

Gỗ công nghiệp OSB hay ván dăm định hướng là loại ván được tạo ra với mục đích chủ yếu làm vật liệu trong xây dựng. Do đó nó thường cho 1 loại duy nhất ở dạng ván thô (không phủ bề mặt).

Tại Việt Nam ván dăm OSB không được sử dụng phổ biến như các loại gỗ công nghiệp khác. Nó chủ yếu được dùng nhiều tại Bắc Mỹ và Châu Âu. Phổ biến là để làm tấm lót sàn, tấm lót tường, tấm lót trần, lót vách ngăn…vì loại cốt gỗ công nghiệp này nhẹ, giá rẻ và có khả năng cách nhiệt, tiêu âm rất tốt.

==> Xem thêm nhiều thông tin hơn tại: ván OSB

5. Gỗ công nghiệp Plywood (ván ép)

– Gỗ Plywood là gì

Plywood là loại gỗ công nghiệp được tạo ra từ nhiều tấm ván lạng (cực mỏng) ghép nghịch hướng với nhau (tấm dọc xen tấm ngang, thớ gỗ vuông góc với nhau), được tạo liên kết bởi một chất keo dính chuyên dụng và ép lại thành tấm plywood dưới nhiệt độ và áp suất cao.

  • Các tấm ván lạng mỏng (veneer) là thành phần chính tạo lên tấm Plywood, chúng được lạng từ các khúc gỗ tự nhiên tươi ở độ ẩm cao. Độ dày có thể từ 1ly, 2ly, 3ly…hoặc dày hơn nữa tùy nhu cầu sản xuất.
  • Xếp chồng nghịch hướng là nguyên tắc quan trọng khi sản xuất tấm gỗ công nghiệp Plywood, tức 1 tấm dọc rồi đến 1 tấm ngang (chiều thớ gỗ). Nó giúp tăng sự liên kết, tăng khả năng chịu lực, chống giãn nở, chống cong vênh, tăng độ bền.
  • Số lượng tấm veneer trong mỗi tấm ván Plywood luôn là số lẻ 3-5-7-9…, Trong đó 1 tấm là tâm, rồi lần lượt ghép thêm các tấm 2 bên kiểu nghịch hướng, 2 tấm mặt ngoài luôn theo chiều dọc thớ.

– Các loại gỗ Plywood

Gỗ ván ép Plywood cũng có nhiều loại, như:

+ Phân loại theo nguyên liệu: thường được phân loại theo loại gỗ được sử dụng làm nguyên liệu. Phổ biến nhất phải kể tới:

  • Plywood gỗ sồi (veneer gỗ sồi)
  • Plywood gỗ tần bì
  • Plywood gỗ thông
  • Plywood gỗ bạch dương
  • Plywood gỗ Óc chó

Do được tạo từ các loại gỗ tự nhiên khác nhau nên mỗi loại Plywood đó sẽ có màu sắc, đường vân, nét đẹp và giá bán khác nhau tùy vào nhu cầu sử dụng để chọn lựa.

+ Phân loại theo bề mặt Đẹp – Xấu: là kiểu phân loại gỗ công nghiệp Plywood được dùng rất phổ biến khi bán hàng. Ví dụ:

  • Ván ép bề mặt A-A: tức cả 2 mặt của tấm gỗ đều cực đẹp, được chọn lựa kỹ để không có mắt mấu, đều màu…
  • Ván ép bề mặt A-B: tức 1 mặt của tấm gỗ cực đẹp (loại A) còn 1 mặt thì ít đẹp bằng (loại B).
  • Ván ép bề mặt B-B: tức cả 2 mặt của tấm gỗ đều đẹp ở mức trung bình (loại B).
  • Ván ép bề mặt B-C
  • Ván ép bề mặt C-C

Giá bán các loại trên sẽ khác nhau tùy vào độ đẹp của bề mặt. Tùy nhu cầu sử dụng bạn sẽ cần mua loại đẹp cả 2 mặt (để làm đồ nội thất) hoặc chỉ cần đẹp 1 mặt (để ốp tường) hoặc cả 2 mặt cùng xấu (để làm thùng đóng hàng) nhắm tiết kiệm chi phí.

– Ưu nhược điểm và ứng dụng

+ Ưu điểm nổi bật nhất của ván gỗ công nghiệp Plywood là giá rẻ, nhẹ, chống cong vênh tốt, có màu sắc và vân gỗ tự nhiên (do được lạng veneer từ khúc gỗ tự nhiên), có khả năng uốn cong cực tốt dễ tạo ra các hình dáng theo mong muốn…

+ Ván ép Plywood cũng có nhược điểm như các loại cốt gỗ công nghiệp khác đó là khả năng chịu nước, chống ẩm kém, cần xử lý bề mặt tốt, hợp dùng trong môi trường khô thoáng.

Trong các loại gỗ công nghiệp thì có thể nói Plywood là cốt gỗ có ứng dụng rộng rãi chỉ sau MDF và MFC. Nổi bật nhất là làm mặt bàn, ghế ngồi, đóng tủ bếp, tủ giày dép, tủ áo, bàn học sinh, kệ trang trí, vách ngăn… Các loại cực rẻ thì dùng để đóng thùng panet và các mục đích khác.

==> Xem thêm nhiều thông tin hơn tại: gỗ ván ép plywood

6. Gỗ ghép thanh

– Gỗ ghép thanh là gì

Gỗ ghép thanh là gỗ được tạo thành bằng cách ghép 2 hay nhiều thanh gỗ ngắn thành 1 thanh dài hoặc 1 tấm lớn. Được thực hiện bằng cách cắt ở 2 đầu mỗi tấm gỗ một tập hợp các mặt cắt bổ sung (kiểu răng cưa), lồng vào nhau, sau đó được ép dán lại với keo.

  • Ván gỗ ghép thanh được tạo từ thanh gỗ tự nhiên, 100% không phải bàn cãi. Tuy nhiên nó cũng coi là 1 loại ván gỗ công nghiệp là bởi đã qua quá trình sản xuất làm thay đổi tính chất và công năng. Từ những thanh gỗ, tấm gỗ…bỏ đi hoặc ít giá trị đã được tái tạo (ghép lại với mối nối răng cưa và keo) thành tấm.
  • Tấm gỗ ván ghép thanh cũng thường có kích thước tiêu chuẩn ván gỗ công nghiệp, 1m22 x 2m44 và các độ dày đa dạng.
  • Gỗ được sử dụng để làm tấm ván gỗ ghép thanh thường là gỗ “mềm” như sồi, tần bì, thông, keo, tràm, tếch…
  • Chất keo dính thường được sử dụng là: keo Urea Formaldehyde (keo UF); keo Phenol Formaldehyde (keo PF); keo Polyvinyl Acetate (keo PVAc)…

– Các loại gỗ ghép thanh

Giống như các loại gỗ công nghiệp khác, ván gỗ ghép thanh cũng có nhiều loại khác nhau. Trong đó có 2 cách phân loại chính là dựa vào nguyên liệu gỗ và dựa vào độ đẹp bề mặt.

+ Phân loại gỗ ghép thanh theo nguyên liệu: gỗ cao su ghép thanh, gỗ thông ghép thanh, gỗ sồi ghép thanh,…

+ Phân loại theo độ đẹp – xấu của bề mặt tấm gỗ: Loại A-A (cả 2 mặt cùng đẹp), Loại A-B (1 mặt đẹp 1 mặt xấu), Loại B-B (cả hai mặt cùng xấu). Hoặc có thể được chia thành nhiều cấp độ hơn.

– Ưu nhược điểm và ứng dụng nổi bật

+ Do được làm từ các thanh, tấm, khúc gỗ…thừa, quá ngắn, bỏ đi, ít giá trị… nên gỗ ghép thanh thường có giá rẻ. Trong khi vẫn giữ được những phẩm chất tốt từ gỗ tự nhiên như màu sắc, vân gỗ, khả năng kháng nước, khả năng chịu lực…

+ Nhược điểm lớn nhất của gỗ ghép thanh có lẽ là màu sắc không đồng đều, độ giãn nở của các tấm gỗ nhỏ cũng không đều, việc 1 mối nối bị hỏng có thể ảnh hướng đến kết cấu và thẩm mỹ của cả tấm.

Gỗ ghép thanh hiện được dùng nhiều làm bàn ghế ăn, bàn ghế quán cà phê, nhà hàng, đóng các đồ nội thất gia đình và văn phòng giá rẻ, làm sàn gỗ… Nó cũng là loại gỗ công nghiệp có thể được phủ veneer, phủ sơn hay acrylic…mang giá trị ứng dụng lớn.

==> Xem thêm nhiều thông tin hơn tại: gỗ ghép thanh

7. Gỗ nhựa composite

– Gỗ nhựa là gì

Gỗ nhựa có tên viết tắt là WPC (chữ WPC được viết tắt từ Wood Plastic Composite), vì vậy nó cũng hay được gọi là: gỗ WPC, gỗ Composite, ván gỗ nhựa tổng hợp…

Gỗ nhựa là vật liệu công nghiệp được tạo thành bằng cách trộn các bột/sợi gỗ và chất nhựa nhiệt dẻo cùng các hóa chất phụ gia. Vật liệu nóng dẻo sau đó được máy ép đùn (hoặc ép phun) thành tấm theo kích thước quy chuẩn hoặc các hình dạng vật liệu mong muốn.

  • Thành phần của gỗ nhựa composite thường có khoảng 70% là nhựa, 15% là bột gỗ và khoảng 15% là các chất động và hóa chất phụ gia tổng hợp khác.
  • Nhựa có thể là hạt nhựa nguyên chất, nhưng đa phần là sử dụng nhựa tái chế…
  • Bột gỗ cũng thường là nguyên liệu tận dụng từ: gỗ vụn, gỗ thừa, mùn cưa, dăm bào…được xay nghiền nhỏ.
  • Thành phần hóa chất phụ gia: chất tạo màu, chất kết dính, chất ổn định UV, chất thổi, chất tạo bọt, chất bôi trơn…

– Ưu nhược điểm và ứng dụng nổi bật

+ Gỗ nhựa có được cả những ưu điểm từ gỗ và từ nhựa, bởi vậy nó có độ bền và độ cũng cao hơn các loại gỗ công nghiệp khác. Đặc biệt là kháng nước, kháng ẩm, không bị ăn mòn, khó khai màu, chống trơn trượt, dễ bảo quản vệ sinh,… Có thể tạo hình và màu sắc luôn khi sản xuất, tiết kiệm nhiều công chế biến.

+ Tuy nhiên, so với các loại gỗ công nghiệp ở trên thì gỗ nhựa có giá bán cao hơn khá nhiều, phù hợp với các đối tượng sử dụng nhất định.

Gỗ nhựa có khả năng ứng dụng mạnh mẽ, đặc biệt là các không gian cần chống ẩm, chống nước hay ngoài trời. Điều mà các cốt gỗ công nghiệp ở trên bị hạn chế.

==> Xem thêm nhiều thông tin hơn tại: gỗ nhựa là gì

Các loại gỗ công nghiệp phân theo: Lớp mặt phủ

Để hoàn thiện một sản phẩm nội thất gỗ công nghiệp, đồ trang trí, sàn, cửa…thì không thể thiếu lớp phủ bề mặt. Nhiều loại gỗ công nghiệp ngay khi sản xuất đã được phủ sơn, dán laminate, melamine, acrylic hay phủ veneer…giúp cho việc sản xuất trở nên rất nhanh và đơn giản (chỉ cần cắt và dán cạnh). Tuy nhiên, để tạo sự linh hoạt và đa dạng, thường các đơn vị thi công cần tự hoàn thiện lớp phủ bề mặt để đáp ứng theo yêu cầu khách hàng.

Dưới đây là 5 loại lớp phủ bề mặt gỗ công nghiệp thông dụng nhất hiện nay.

1. Gỗ công nghiệp phủ sơn

Ván thô 2 mặt (cốt gỗ) là loại gỗ công nghiệp thông dụng nhất. Từ ván thô này chúng ta có thể cắt -ghép để đóng thành các món đồ nội thất, làm cửa, ốp vách, đồ trang trí,…xong mới bắt đầu phủ Sơn bên ngoài bảo vệ và tạo các màu sắc. Hình thức chế biến gỗ này có tính linh hoạt cao.

Điểm yếu lớn nhất của các loại gỗ công nghiệp (trừ gỗ nhựa) là khả năng kháng nước, kháng ẩm kém…bởi vậy lớp sơn bề mặt rất quan trọng. Ngoài ra, sơn phủ bề mặt cho gỗ công nghiệp còn tăng tính thẩm mỹ, tạo các màu sắc đa dạng theo nhu cầu khách hàng, tăng tuổi thọ và sức chống chịu cho bề mặt sản phẩm…

Các loại sơn được dùng cho gỗ công nghiệp thường có 5 loại là Sơn PU, Sơn Vinyl, Sơn NC, Sơn dầu, Vecni. Mỗi loại lại có những ưu nhược điểm riêng, phù hợp với loại gỗ cũng như môi trường sử dụng riêng.

Quy trình sơn gỗ công nghiệp cũng tương tự với gỗ tự nhiên, nhưng thường là “nhàn” hơn, do các bề mặt gỗ công nghiệp thường khá phẳng. Quy trình thường là giáp bóng bề mặt – sơn lót – sơn lớp giữa – sơn bề mặt – dặm màu và phủ bóng…

2. Gỗ công nghiệp phủ Laminate

Do được dùng rất phổ biến mà nhiều người cũng gọi luôn là “gỗ công nghiệp Laminate”. Nhưng thực ra Laminate là tên gọi của một loại lớp phủ bề mặt.

Laminate là chất liệu bề mặt chuyên dùng để phủ lên các loại cốt gỗ công nghiệp như ván dăm MFC, ván MDF, ván HDF nhằm tăng tính thẩm mỹ, tạo màu sắc và đường nét vân theo mong muốn, chống trầy xước, chống ẩm mốc, cũng như tăng độ bền và bảo vệ cho các sản phẩm nội thất gỗ trước các tác động của môi trường.

Một tấm phủ Laminate thường được cấu tạo bởi 3 lớp: lớp overlay (ngoài cùng, trong suốt), lớp giấy trang trí decorative paper (ở giữa, quyết định màu sắc, đường nét vân), lớp Kraft (trong cùng, dày nhất).

Lớp phủ gỗ công nghiệp Laminate rất đa dạng về màu sắc, đặc biệt là các màu vân gỗ, vân trang trí, vân vải, vân đá, thậm chí có cả vân nổi, vân sần…nên rất được khách hàng yêu thích. Thi công dễ, dẻo dai, uốn cong dễ dàng, chống xước tốt, chống ẩm, có cả loại chống cháy…

3. Gỗ công nghiệp phủ Melamine

Melamine là lớp giấy trang trí nhúng keo Melamine, bởi vậy nó cũng có tên gọi khác là tấm phủ Melamine hay giấy Melamine. Tấm phủ Melamine được dùng làm lớp phủ bề mặt cho các loại gỗ công nghiệp cốt ván dăm MFC, ván MDF, HDF…giúp tăng độ bền cho sản phẩm, chống ẩm mốc và chống thấm cho các sản phẩm nội thất.

Giấy phủ Malamine mỏng hơn Laminate, được cấu tạo bởi 2 lớp là lớp bảo vệ, lớp giấy trang trí và lớp keo melamine. Nó cũng có các màu sắc và họa tiết đa dạng để khách hàng chọn lựa.

* So sánh 2 lớp phủ thì Laminate tốt hơn Melamine, Laminate cũng có màu sắc đa dạng và đẹp hơn, dày hơn, chống xước tốt hơn, độ bền cao hơn, cho sản phẩm hoàn thiện đẹp và thẩm mỹ cao hơn (bề mặt laminate cảm giác sần sùi rất thú vị, trong khi melamine trơn nhẵn)… Tuy nhiên tốt hơn đi kèm với giá thành Laminate đắt hơn và thi công khó hơn Melamine một chút. Trước đây lớp phủ gỗ công nghiệp Melamine được dùng nhiều, nhưng hiện nay Laminate lại thông dụng hơn.

4. Gỗ công nghiệp phủ Acrylic

Acrylic là một loại mặt phủ gỗ công nghiệp khá được ưa thích, nhất là làm tủ bếp. Có thể phủ lên các cốt gỗ như MDF, gỗ MFC, gỗ HDF, ván dăm Okal, gỗ nhựa Composite… Lớp phủ Acrylic thường gồm 3 lớp nhỏ khác là: lớp nhựa melamine (phủ mặt dưới, bảo vệ cốt gỗ), lớp nhựa màu trang trí, lớp mặt chống xước tạo độ bóng.

Các loại gỗ công nghiệp khi được phủ vật liệu acrylic có ưu điểm là bề mặt trơn bóng, không thấm nước, dễ lau chùi vệ sinh, chịu nhiệt tốt, ít bám bụi, có độ dẻo nên dễ dàng trong việc uốn để tạo hình sản phẩm,… độ cứng và độ bền cao với tuổi thọ có thể lên tới 20 năm. Tuy nhiên giá của loại tấm phủ này khá cao, việc thi công cũng phức tạp hơn so với các bề mặt phủ ở trên, cần máy móc hỗ trợ để đảm bảo chất lượng và thẩm mỹ tốt.

5. Gỗ công nghiệp phủ veneer

Veneer là lớp ván lạng được bóc ra từ khúc gỗ tự nhiên, bởi vậy nó (hơn các mặt phủ ở trên là) có màu sắc và đường nét vân gỗ của gỗ tự nhiên thật – chứ không phải nhân tạo.

Veneer có thể được được làm mặt phủ cho các cốt gỗ công nghiệp như MDF, HDF, ván dăm MFC hay ván ghép thanh… Lớp lạng veneer làm mặt phủ thường khá mỏng, dày khoảng 0.5mm, cũng có thể dày hơn tùy theo nhu cầu sản xuất.

Trên đây là 5 loại mặt phủ gỗ công nghiệp phổ biến được dùng nhiều nhất hiện nay. Ngoài ra cũng có những cách phủ mặt khác như dùng dán giấy và sơn phủ PU (hay được áp dụng để làm bàn giám đốc, bàn trưởng phòng…)… Trong quá trình thi công nội thất gỗ công nghiệp cũng thường xuyên dùng đến chỉ dán cạnh cũng như các loại keo dán chuyên dụng.

Các loại gỗ công nghiệp phân theo: thương hiệu nổi tiếng

1. Gỗ công nghiệp An Cường

Trong các loại gỗ công nghiệp thì An Cường là thương hiệu đứng đầu bảng về chất lượng cũng như thương hiệu. Có lẽ vì vậy mà khi bạn search google với từ khóa “gỗ công nghiệp” thì sẽ được gợi ý “gỗ công nghiệp an cường”. Tuy nhiên, đi cùng với chất lượng cao cấp và thương hiệu nổi tiếng sẽ là mức giá cao hơn.

Hiện An Cường cung cấp hầu hết các loại gỗ công nghiệp phổ biến như MDF, HDF, MFC, các tấm phủ laminate, tấm phủ melamine, veneer, acrylic, ván sàn, các sản phẩm nội thất và xây dựng…

2. Gỗ công nghiệp Minh Long

Minh Long cũng là một thương hiệu khá nổi tiếng phân phối các loại gỗ công nghiệp hiện nay. Các dòng sản phẩm chính như MFC, MDF phủ Melamine, Laminates, Acrylic, tấm Veneer, PVC decorative film, SGP, VFB…ở phân khúc trung bình đến cao cấp, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

3. Gỗ công nghiệp Dongwha

Bạn đang cần tìm một đơn vị cung cấp các loại gỗ công nghiệp ở phân khúc bình dân – cận cao cấp? Hãy tham khảo các sản phẩm của Dongwha – nhà máy liên doanh giữa Dongwha Hàn Quốc và Tập đoàn Cao su Việt Nam.

4. Gỗ công nghiệp Thái

Là các loại gỗ công nghiệp được sản xuất bởi các thương hiệu hàng đầu ở Thái Lan như Vanachai, Leowood… Được các công ty nhập khẩu về Việt Nam để phân phối và khách hàng trong nước khá ưa chuộng.

5. Gỗ công nghiệp Hòa Bình

6. Gỗ công nghiệp Quảng Trị

7. Các nhà cung cấp khác

Các thương hiệu đang nổi lên gần đây như Dũng Thoa (Tan Dai An), Tản Viên… Ngoài ra, hiện trong nước cũng có hàng trăm nhà máy xí nghiệp sản xuất gỗ công nghiệp khác.

Như vậy chúng ta đã cũng nhau tìm hiểu khá chi tiết về các loại gỗ công nghiệp thông dụng nhất hiện nay. Trong đó có những loại được sử dụng rất rộng rãi tại Việt Nam (như MDF, MFC, gỗ ván ép Plywood), có loại rất hiếm gặp và ít được dùng (như ván OSB). Đi sâu vào ta cũng thấy rằng, mỗi loại gỗ công nghiệp lại có ưu nhược điểm riêng và phù hợp với múc đích sử dụng riêng, giá bán cũng chênh nhau đáng kể. Do đó tùy vào nhu cầu sử dụng để quý khách cân nhắc chọn loại gỗ phù hợp.

Một vài ví dụ về ứng dụng trong sản xuất nội thất gỗ công nghiệp:

  • Làm bàn trà, kệ tivi, giường ngủ, tủ quần áo, bàn trang điểm, tủ giày dép…: nên chọn gỗ MDF thường (hoặc MDF lõi xanh chống ẩm đắt hơn chút nhưng bền hơn). Chỉ cần mặt phủ Melamine là ok lắm rồi. Tất nhiên bạn cũng có thể dùng gỗ ván dăm MFC rẻ hơn để tiết kiệm chi phí.
  • Làm tủ bếp: tủ trên có thể dùng MDF lõi xanh chống ẩm phủ Melamine, tủ dưới hay tiếp xúc với nước thì nên dùng MDF lõi xanh chống ẩm phủ Acrylic. Bạn cũng có thể dùng gỗ nhựa composite phủ Acrylic. Hậu tủ nên làm bằng tấm Alu để cách ẩm tốt với tường.
  • Cửa chính có thể dùng HDF loại lõi đỏ chống cháy kết hợp mặt phủ Laminate để tăng khả năng chống trầy xước. Các cửa phòng thì có thể dùng HDF loại thường.
  • Cửa nhà vệ sinh, phòng tắm và lavabor phòng tắm nên dùng gỗ nhựa composite để đảm bảo độ bền khi tiếp xúc với nước thường xuyên.
  • Các đồ nội thất văn phòng phổ thông giá rẻ thì có thể dùng gỗ ván dăm MFC thường, mặt phủ Melamine dán cạnh. Với bàn làm việc của Giám đốc, bàn quản lý, bàn họp cao cấp…có thể dùng MDF hoặc HDF, mặt phủ Laminate.

Xem thêm nhiều thông tin liên quan đến chủ đề này tại đây: https://tubepdailoc.com/cong-nghe-ep-cong-go-1b6kslwi

Bạn đang xem bài viết chủ đề: Các loại gỗ công nghiệp phổ biến thường dùng nhất. Thông tin do tubepdailoc.com tổng hợp đầy đủ nhất dành cho bạn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *