Bạn đang xem bài viết chủ đề Về thăm làng nghề mộc Giã Trung – Phổ Yên, Thái Nguyên do chúng tôi tổng hợp từ nhiều nguồn trên Internet.
Làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Giã Trung thuộc xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) là một trong số các làng nghề sản xuất kinh doanh hiệu quả. Nghề mộc được hình thành và phát triển mạnh tại 2 thôn Giã Trung 1 và Giã Trung 2 thuộc xã Tiên Phong, mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho người dân. Những năm gần đây, cuộc sống làng nghề Giã Trung đã khởi sắc, giải quyết việc làm cho số lượng lớn lao động tại đại phương và vùng lân cận.
1. Giới thiệu về làng nghề mộc Giã Trung
Tiên Phong vốn là xã thuần nông đông dân nhất của Phổ Yên với gần 3.400 hộ và trên 14.500 nhân khẩu. Trước đây, do kinh tế khó khăn, từ cuối những năm 1980 khi một số người dân trong xã thoát ly đi lao động tại Làng nghề gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ (Bắc Ninh) đã đem theo nghề mộc trở về Giã Trung. Trở lại quê hương họ mở xưởng và truyền nghề lại cho nhau. Ban đầu chỉ có vài xưởng, dần dần số xưởng tăng lên theo từng năm.
Ban đầu, nguồn gỗ được sử dụng từ những cây sẵn có trong vườn nhà như: xoan, keo, sấu, mít, nhưng với nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, người dân nơi đây đã mở rộng thị trường, tìm kiếm thêm nguồn gỗ quý từ các tỉnh, thành trong cả nước và cả nước ngoài như: Malaysia, Lào… Từ năm 2009, gần như 100% sản phẩm của Làng nghề đều được sản xuất từ gỗ Hương.
Làng nghề hiện có không ít các nghệ nhân tài hoa, với đôi bàn tay khéo léo, óc tư duy tài nghệ đã và đang chế tác ra những sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp, được chạm trổ kỳ công tinh tế, kết hợp hài hòa giữa kiểu dáng cổ kính và hiện đại. Năm 2008, thôn Giã Trung được công nhận là làng nghề với khoảng 200 xưởng mộc, trên 1.000 lao động. Ngoài làng nghề Giã Trung, nghề mộc đã phát triển lan sang các thôn, xóm khác như Thù Lâm với khoảng 100 xưởng, trên 500 lao động.
2. Sự phát triển của làng nghề
Ngay từ những bước khởi đầu đầy gian khó, người thợ Giã Trung đã hình thành cho mình một hướng sản xuất chất lượng. Các hộ sản xuất chịu khó đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại để sản phẩm làm ra có thể cạnh tranh được với những làng nghề khác có truyền thống lâu đời hơn. Đến thời điểm hiện tại, toàn Làng nghề đã có trên 80 máy đục, xẻ gỗ bằng vi tính cùng gần 350 máy bào, máy cưa đứng.
Nhờ phát triển nghề mộc, những năm gần đây, kinh tế của xã được nâng cao. Nhìn những ngôi nhà cao tầng khang trang đua nhau vươn cao, những tuyến đường bê tông sạch đẹp, trải rộng, có thể thấy, đời sống người dân ở đây đã sung túc nhiều. Những năm gần đây, doanh thu của làng nghề đạt hơn 40 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 600 lao động (trong đó có gần 200 lao động là từ địa phương khác), bình quân thu nhập đạt từ 6-7 triệu đồng/người/tháng. Bà con ở đây rất phấn khởi vì sản phẩm của địa phương đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường, đây là một nghề rất có tiềm năng phát triển. Rõ ràng, việc phát triển nghề truyền thống không chỉ tăng nguồn thu nhập, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn mà còn góp phần gìn giữ những nét đẹp văn hóa. Số hộ nghèo trong làng giảm đáng kể, chỉ còn khoảng trên dưới 20 hộ.
Từ sản xuất các loại đồ gỗ dân dụng, giá bình dân, đến nay, làng nghề đã chuyển sang sản xuất đồ gỗ cao cấp và gia công cho các xưởng gỗ ở Đồng Kỵ. Trung bình mỗi xưởng có từ 12-15 lao động.
3. Các sản phẩm tại làng nghề Giã Trung
Hiện nay, sản phẩm của các cơ sở sản xuất và gia công mộc mỹ nghệ tại làng khá đa dạng và phong phú chủng loại. Làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Giã Trung đang sản xuất những mặt hàng thông dụng trong đời sống như: Giường; tủ; bàn ghế; cửa; chấn song; cầu thang; tay vịn và nhiều sản phẩm trang trí nội thất có chất lượng cao, mẫu mã đẹp.
Từ những nét đục; đẽo trên nền gỗ thô; người nghệ nhân đã biến thành những tác phẩm nghệ thuật làm say đắm biết bao bạn bè quốc tế. Các tác phẩm đang được in dấu, trưng bày ở những nơi trang trọng bậc nhất như: Nhà thờ, đình chùa, miếu mạo… Sản phẩm mà các cơ sở làm ra không chỉ bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng, mà còn bán buôn cho các đại lý với số lượng lớn. Bên cạnh đó, cơ sở cũng nhận sản xuất theo đơn đặt hàng của khách với tất cả các mẫu mã và chủng loại khác nhau.
4. Thực trạng sản xuất trong làng nghề
Nghề mộc mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân Giã Trung, tuy nhiên vẫn còn đó những khó khăn trong hoạt động sản xuất của làng nghề.
+/ Thiếu diện tích sản xuất
Có một thực tế là nghề mộc ở đây ban đầu là tự phát, các xưởng mộc đều được mở tại nhà dân, 100% trên đất ở và đất vườn. Sau nhiều năm hoạt động, do không có diện tích nên việc mở rộng quy mô sản xuất của các xưởng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm về chất thải, tiếng ồn, bụi, hóa chất… đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân.
Thấy được những hạn chế này, vài năm trước trong quy hoạch nông thôn mới, Tiên Phong đã quy hoạch khu sản xuất tiểu thủ công nghiệp tại Giã Trung nằm tách biệt ra khỏi khu dân cư trên khu đất đồi và đất ruộng kém hiệu quả với hy vọng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở đây sẽ tiếp tục phát triển, tiếp tục nâng cao thu nhập, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương mà không làm ảnh hưởng đến môi trường, giao thông và sinh hoạt của người dân.
+/ Đầu ra không ổn định
Thị trường xuất khẩu Trung Quốc những năm gần đây cũng không còn dồi dào như trước nên hoạt động của làng nghề gặp nhiều khó khăn.
Sản phẩm của người dân chưa có đầu ra ổn định mà phụ thuộc chủ yếu vào thương lái, phần lớn là gia công sản phẩm cho các nơi khác nên giá thành chưa cao…
Được sự khuyến khích và tạo điều kiện của chính quyền địa phương, các hộ dân thuộc làng nghề Giã Trung đã chủ động nhập thêm nguyên liệu, đầu tư máy móc hiện đại nên hoa văn đẹp và độ chính xác cao, sản phẩm làm ra bảo đảm chất lượng, được khách hàng rất ưa chuộng. Nhiều hộ đã nhận được đơn hàng trực tiếp từ Đài Loan và Hồng Kông (Trung Quốc) với số lượng khá lớn.
+/ Thiếu lao động trẻ tay nghề cao
Hiện nay, làng nghề có rất nhiều nghệ nhân với đôi bàn tay khéo léo, óc tư duy sáng tạo đã tạo ra rất nhiều sản phẩm đặc sắc, được thị trường đón nhận. Tuy nhiên, những người làm nghề nơi đây không khỏi lo lắng trước thực trạng làng nghề dần mai một vì thiếu đội ngũ lao động kế cận. Bởi, phần lớn lao động đều có độ tuổi từ 40 trở lên, trong khi lực lượng lao động trẻ tay nghề cao không nhiều, chiếm khoảng 20%. Vì vậy, hiện nay các cơ sở sản xuất của Làng nghề mới chỉ dừng lại ở việc duy trì chứ chưa có sự cạnh tranh trên thị trường.
Có nhiều nguyên nhân khiến làng nghề không thu hút được lớp người trẻ là vì:
- Nghề mộc này đòi hỏi sự tỷ mỷ, kỳ công nên không thu hút được lớp trẻ
- Mức thu nhập ở các làng nghề không ổn định, công việc phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường là chủ yếu
- Những năm gần đây có nhiều công ty, nhà máy, xí nghiệp mọc lên tại Thị xã Phổ Yên nên con em địa phương sau khi tốt nghiệp THPT hoặc các trường đại học, cao đẳng nếu không làm việc ở cơ quan Nhà nước đã lựa chọn làm việc tại các công ty với mức thu nhập ổn định 7-8 triệu đồng/người/tháng.
- Nghề mộc mang tính chất truyền lại – tiếp nối, thường là cha truyền con nối, hoặc người lớn trong dòng họ dậy người trẻ nên thiếu tính bài bản.
- Nhiều cơ sở sản xuất quy mô còn nhỏ lẻ, máy móc chưa được cải tiến, trang bị đầy đủ, chính sách bảo hiểm, hỗ trợ người lao động còn chưa có nên khó thu hút lao động trẻ.
+/ Ứng dụng công nghệ số còn hạn chế
Gần 2 năm nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến sản phẩm đồ gỗ của Làng nghề mộc mỹ nghệ thôn Giã Trung, xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên) không thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc như trước. Mặt khác, việc vận chuyển nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm trong nước cũng gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, để việc sản xuất, kinh doanh không bị “đứt gãy”, nhiều hộ gia đình trong làng nghề đã linh hoạt tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội, fanpage và sàn thương mại điện tử. Những hình ảnh, video về quá trình sản xuất và sản phẩm của Làng nghề được tích cực giới thiệu, quảng bá trên Facebook, Zalo đến với đông đảo khách hàng.
Nhờ vậy, sản phẩm mộc mỹ nghệ của Làng nghề vẫn đều đặn xuất ra thị trường. Mặc dù, sản lượng tiêu thụ không thể bằng trước đây nhưng hình thức kinh doanh online đã giúp cho nhiều hộ gia đình vẫn duy trì được sản xuất, tạo việc làm và đem lại thu nhập ổn định cho người lao động trong giai đoạn khó khăn.
Đồng thời, việc thay đổi phương thức kinh doanh từ bán hàng truyền thống sang trực tuyến kết hợp giao hàng tận nơi đã góp phần mở rộng đối tượng khách hàng cho các làng nghề, qua đó số lượng hàng hóa tiêu thụ cũng tăng đáng kể.
Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ số trong làng nghề được đánh giá là vẫn ở mức hạn chế. Thực tế, việc sử dụng các trang mạng xã hội của các hộ sản xuất mới chỉ dừng lại ở việc quảng bá, giới thiệu trong thời kỳ giãn cách. Số lượng các cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử trong kinh doanh còn khiêm tốn.
Nguyên nhân cơ bản là do đa số các hộ sản xuất trong làng nghề đều là nông dân, trình độ tiếp cận thị trường chậm, khoa học công nghệ còn hạn chế, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm trong sản xuất. Bên cạnh đó, việc nắm bắt thông tin thị trường, công tác kết nối giao thương với các siêu thị, doanh nghiệp xuất, nhập khẩu của các làng nghề chưa nhạy bén. Việc đầu tư sản xuất công nghệ cao đòi hỏi nguồn kinh phí lớn trong khi hầu hết các làng nghề đều thiếu vốn.
Tổng kết
Làng nghề Giã Trung được đánh giá là nơi lưu trữ và bảo tồn những giá trị tinh hoa của nghề mộc truyền thống, được khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến và chọn lựa. Toàn dân trong thôn và xã, huyện nói chung đều mong muốn gìn giữ và quảng bá hình ảnh để làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Giã Trung sẽ vươn xa hơn, ngày càng khẳng định vị thế và thương hiệu.
=> Xem thêm: Làng nghề mộc Phương Độ – Phú Bình, Thái Nguyên
Hy vọng bài viết đã cung cấp đến cho quý bạn đọc những thông tin hữu ích nhất. TOPnoithat là chuyên trang tin tức về ngành nội thất, và đây là chuyên mục về các làng nghề gỗ mộc truyền thống của Việt Nam. Chúng tôi muốn giới thiệu khách quan, và quảng bá hình ảnh đẹp của các làng nghề đến với đông đảo bạn đọc khắp cả nước. Quý vị yêu thích chủ đề này có thể tham khảo: Tổng hợp các làng nghề mộc đồ gỗ nội thất Việt Nam
Xem thêm nhiều thông tin liên quan đến chủ đề này tại đây: nhận làm khoán mộc